Quá trình mổ, các bác sĩ đã lấy ra khoảng 20 chiếc răng nhỏ nằm trong vỏ đã xơ hóa ở cả hai bên. Sau khi xử lý đã tiến hành ghép yếu tố tăng trưởng cho bệnh nhân để nhanh hồi phục phần xương hổng, khuyết và đồng thời giúp cho vết mổ không chảy máu.
Khối huyết tương giàu yếu tố tăng trưởng (PRGF) được tạo ra từ máu của bệnh nhân. Đây là khối huyết tương giàu tiểu cầu có chứa các yếu tố tăng trưởng như: EGF, PDGF, TGF-β, VEGF, FGF, IGF-I, KGF… với nồng độ cao gấp 6-8 lần so với bình thường và gel fibrin giúp hình thành một rào cản ngăn chặn sự viêm nhiễm vi khuẩn vào vết thương. Đây là các nhân tố đóng vai trò quan trọng và tham gia vào quá trình tái tạo mô và tế bào, sửa chữa các vết thương. Ưu điểm của kỹ thuật này là lấy từ máu của bệnh nhân nên đây là một yếu tố ghép tự thân nên không có hiện tượng thải ghép.
Mặt khác do vai trò tái tạo mô và tế bào, sửa chữa các vết thương nên nó giúp tăng hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị. Sử dụng kỹ thuật này trong điều trị các bệnh lý răng miệng và hàm mặt, các bệnh nhân đều phục hồi tổn thương rất tốt, rút ngắn được thời gian điều trị, bệnh nhân cảm thấy thoải mái…
Hình ảnh u răng khi được lấy ra
Dự kiến sau 7-10 ngày, bệnh nhân sẽ được cắt chỉ sau khi vết mổ đã lành, các bác sĩ sẽ đưa ra phương hướng phục hình lại răng cho cháu bằng răng giả cố định, cấy ghép Implant nha khoa.
Qua ca bệnh này, Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân nếu thấy bất thường như lâu không mọc răng; răng sữa không rụng theo tuổi thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt để được phát hiện và xử lý kịp thời.
Trường hợp để lâu sẽ gây ra các biến chứng nặng hơn như nang, phá hủy xương hàm gây ảnh hưởng tới các răng khác, ảnh hưởng tới chức năng ăn nhai cũng như thẩm mỹ của bệnh nhân.